“Reng…reng…reng”
Tiếng điện thoại kêu inh ỏi, vang vọng khắp căn phòng trọ, lồm cồm bò dậy, với tay lấy chiếc điện thoại, tôi nhăn nhó lẩm bẩm: “Vô duyên thế, sáng sớm đã gọi điện, không để cho ai ngủ”
…Bố…
Là bố, bố rất ít khi gọi điện cho tôi, chủ yếu là mẹ. Có việc gì mà bố lại gọi tôi vào giờ này, 4:03 sáng. Tim tôi chợt thắt lại, chẳng biết có ai giống tôi không, nhưng tôi luôn cảm thấy rất bất an và sợ hãi với những cuộc gọi của người thân vào những khung giờ bất thường, đêm khuya hay sáng sớm. Điển hình như lần này, hẳn bố phải có việc gì gấp gáp lắm.
Cố lấy lại giọng tỉnh táo nhất, tôi bắt máy.
– “Cuối tuần này, có về không con?” Câu hỏi rất bình thường, không có gì quan trọng, nhưng giọng bố lại khá gấp gáp.
– “Con không”. Tôi đáp gọn lỏn, bố gọi chỉ để hỏi tôi câu này vào lúc 4 giờ sáng?
– “Có còn việc gì nữa không bố?” – Tôi cố gắng hỏi thêm, bố lặng đi rồi rất nhanh bảo không, chẳng có việc gì cả, chỉ là sắp cuối tuần, bố muốn hỏi xem tôi có về không thôi.
Tôi nhanh chóng chào bố rồi cúp máy, cũng chẳng thắc mắc gì nhiều. Trước giờ tôi với bố vốn chẳng hợp nhau, chắc là do sự cách biệt về thế hệ.
Hoàn cảnh của tôi khá đặc biệt, tôi là đứa con út trong nhà hay còn được mọi người trêu là đứa con “mót”, vì bố mẹ sinh tôi khi đã lớn tuổi. Bố tôi đã hơn 70 mà tôi mới 20 cái xuân xanh, tôi với bố mà đi cùng nhau ai cũng sẽ trêu là hai ông cháu. Và đương nhiên, chuyện bố con ngồi tâm sự với nhau là chưa từng có tiền lệ.
Lạ thật, từ lúc nhận được cuộc gọi của bố, tôi không tài nào ngủ lại được, mặc dù những ngày nghỉ cuối tuần tôi luôn “nướng” đến tận 11h trưa mới chịu dậy chào ngày mới.
Những ngày tiếp theo, cuộc sống của tôi vẫn diễn ra đúng như lịch trình đã thiết lập sẵn: Ngày đi làm 8 tiếng, tối về nhà nấu ăn, ăn xong đọc tin tức rồi lăn ra ngủ, lâu lâu có vài ba cuộc hẹn cà phê, trà chanh cùng bạn bè, tôi thấy ổn, không quá tẻ nhạt, có nhớ nhà nhưng tôi ngại bộc lộ.

“Bố bỏ nhà đi rồi con ơi”
Tiếng mẹ tôi khóc nấc lên trong điện thoại, bố tôi bỏ nhà đi, hơn 70 tuổi, một người mẫu mực, sống hết lòng với gia đình lại bỏ nhà đi. Tôi không tin lắm, chỉ nghĩ bố đi chơi đâu đó quên không thông báo với mẹ.
“Mẹ đừng lo, mấy lần bố đi chơi đều quên không báo mẹ, nhưng đúng giờ cơm là bố lại về mà. Sao lần này mẹ làm quá lên vậy”. Tôi hơi mất kiên nhẫn, các bà mẹ lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề.
Nhưng… mẹ bảo, bố đi 3 ngày rồi chưa về. Tôi sững sờ, tim hẫng đi một nhịp. Bố chưa bao giờ đi xa nhà lâu vậy, vả lại, hơn 70 tuổi, cũng chẳng còn trẻ để mải chơi quên lối về.
Bố tôi bị Alzheimer…
Bố phát hiện ra bệnh từ khá lâu, từ những lần nhớ nhớ quên quên của bố nhưng không mấy ai để ý, chỉ nghĩ bố có tuổi, đãng trí là việc thường tình. Bố tự đi khám, dặn mẹ giấu không cho chúng tôi biết. Lần cuối cùng bố gọi điện cho tôi, là lần bố mất ngủ, nằm tâm sự với mẹ nhưng bố chợt giật mình khi không thể nhớ nổi tên tôi. Bố cảm thấy bất lực với chính bản thân mình. Bố dằn vặt bản thân vì nghĩ bố là người bố không tốt, khi đến cả tên đứa con của mình cũng chẳng thể nhớ.
Cả nhà đổ đi tìm bố, chúng tôi cần một bức ảnh mới nhất của bố để in thông báo tìm kiếm. Tôi chợt nhận ra, rất lâu rồi chúng tôi không có một bức ảnh chung và rất lâu rồi tôi không có bức ảnh mới nào của bố. Bố bỏ đi không mang theo gì, kể cả chiếc điện thoại đã cũ. Chắc bố cũng chẳng còn nhớ việc bố có dùng điện thoại.
Tôi cầm chiếc điện thoại của bố lên, với hy vọng với tính cách thích quay chụp của bố, có thể ở nhà bố cũng tự chụp mình như mấy bác hàng xóm nhà tôi vẫn làm. Vậy mà ngoài những bức ảnh bố chụp vườn cây, ao cá hay mấy chú chó con nhà tôi đang tranh nhau tô cơm thì chẳng có bức ảnh nào có mặt bố tự chụp. À, có thêm cả đống video bố quay, rung lắc chóng mặt.
Chợt dừng lại ở một video khá dài, bố quay đợt Tết khi tất cả gia đình vui vầy.
“Đây là Lan con gái cả của tôi này, thằng này là Đạt con trai thứ của tôi, con Hạnh con út này, thằng Bin cháu nội tôi…” Trong đoạn video bố đi quay từng gương mặt rồi tự giới thiệu, hôm bố quay, tôi cũng thấy kỳ cục nhưng không để ý nhiều.
– “Bố mày sợ sau này sẽ không còn nhớ mọi người, nên tự quay để có thể xem lại, để không quên ai trong nhà…” Mẹ nghẹn ngào thủ thỉ.
Tôi nấc nghẹn.
Một tuần tìm kiếm, nghe ở đâu mách có người giống bố, cả nhà tôi cũng sấp sấp ngửa ngửa với hy vọng đúng là bố. Nhưng đều vô vọng, không biết 1 tuần nay bố ăn gì, ở đâu rồi có chuyện gì xảy ra với bố không nữa. Lòng tôi như lửa đốt.
Đêm đến, khi cả nhà mệt nhọc cố gắng chìm vào giấc ngủ sau hơn 1 tuần tìm bố mất ăn mất ngủ. Tôi lững thững ra hè ngồi, vuốt ve chú chó mà bố yêu nhất.
“Ông có thể đang ở đâu Mực nhỉ, chắc ông vẫn ổn đúng không Mực”, con Mực không biết có hiểu tôi nói gì không nhưng mặt nó buồn thiu, nó ngước mắt lên nhìn tôi, đôi mắt long lanh.
“Hạnh ơi, Mực ơi…”
Là bố, bố tôi bằng da bằng thịt đang đứng ở cổng gọi vào, người bố mà chúng tôi khóc hết nước mắt tìm cả tuần nay. Con Mực xoắn quẩy hết cả lên, cái đuôi nó ngoáy tít lên như chong chóng tre, nhảy chồm chồm ra cổng, nó không sủa to như những lần mừng vui khi gặp bố, nó rên ư ử trong cổ họng như mừng vui đến ấm ức.
– “Bố, bố về, bố về rồi…” – Tôi vừa hét, vừa khóc, vừa nấc nghẹn lao vút ra cổng.
Bố tôi gầy đi trông thấy, xơ xác, râu tóc rối bời, mọi thứ đau lòng tôi đã từng trải qua cũng không hề hấn gì so với khoảnh khắc này.
“Mồm mày vẫn như cái loa phát thanh Hạnh ạ”, bố tôi khó khăn nở nụ cười trêu chọc. Bố muốn trấn an tôi và cả nhà nên cố gắng tỏ ra bố vẫn ổn. Bố tôi đến lúc khó khăn nhất vẫn luôn nghĩ cho người khác…
Sự kiện bố tôi tự về nhà, ai cũng nói đó là kỳ tích và nhà tôi phải có phúc lớn lắm. Bởi, rất nhiều người mắc bệnh như bố tôi, khi đã đi lang thang là sẽ không thể nhớ được đường về nhà, rồi va vấp, ốm đau, gặp kẻ xấu, nghĩ đến những trường hợp đó, tôi rùng mình… Thật may mắn, bằng sự phi thường nào đó, bố vẫn về với chúng tôi.
– “Alo, bà ấy bảo cô tên là Hạnh, cuối tuần này cô có về không”
– “Chắc chắn là con về rồi, bố ơi”
Bố tôi lại quên tên đứa con gái út ít này rồi, nhưng không sao, con nhớ bố là được, bố nhỉ…
Tác giả: LaHu